Việc hiểu biết thêm về
máy bơm nước dùng sử dụng trong gia đình sẽ giúp cho người tiêu dùng tránh được tình trạng mua không đúng loại cần dùng hoặc lắp đặt không đúng kỹ thuật gây tổn thất.
Muốn mua một loại bơm thích hợp, phải lưu ý đến các điểm sau:
Độ cao giữa hai bể chứa, tính từ mặt nước bể chứa ở dưới đến mặt nước bể chứa ở trên.
Thể tích của mỗi bể chứa.
Nơi đặt máy bơm.
Sau khi có được những yếu tố đó, bạn hãy chọn loại bơm có độ cao tổng cộng, độ cao hút và độ cao xả thích hợp. Thường thì chọn bơm có trị số cao hơn 1,5 trị số thực tế là thích hợp. Ví dụ độ cao nhà là 10 m, thì chọn loại bơm có độ cao khoảng 13-15 m. Nếu bể chứa nhà bạn nhỏ, thì chỉ cần các loại bơm có công suất nhỏ và lưu lượng nước nhỏ (loại bể chứa 1 m3 thì chỉ cần loại máy bơm 125 W ( 1/2 H.P) và có số vòng quay lớn - từ 2000 rmp trở lên), còn loại máy bơm lớn hơn thì chọn loại có công suất lớn hơn là đủ.
Ngoài việc nắm biết loại bơm đó hoạt động như thế nào thì cần phải biết thêm các tính năng kỹ thuật quan trọng sau:
Điện áp sử dụng: Chọn loại 220V/ 50Hz, ngoài ra trên thị trường cũng có loại 2 dòng điện 110V/ 220V hoặc máy bơm 3 pha.
Lưu lượng bơm: Là lượng nước mà máy bơm vận chuyển trong một đơn vị thời gian: tính bằng m3/giờ hoặc lít/phút v.v... Trong máy thường ghi là Qmax, đó là lưu lượng tối đa, vì lưu lượng nước còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác như độ cao, tốc độ, công suất máy v.v...
Độ cao: Độ cao của mực nước thường ghi là H, có máy ghi là Hmax, Total H, tức là độ cao mà máy có thể hút từ mặt nước, giếng, hồ, bể chứa... Đây là độ cao tối đa nào đó mà máy vận chuyển nước lên bể chứa phía trên cao, tính theo chiều thẳng đứng. Thông thường, máy bơm không đưa nước đạt được đến độ cao như ghi ở máy mà chỉ đạt được khoảng 80%.
Độ sâu hút nước: là độ sâu mà máy bơm hút được, tính từ mặt nước hồ, ao, giếng... đến tâm bánh công tác của bơm. Thông thường thì độ sâu sử dụng thực tế nhỏ hơn ghi trong máy, vì vậy khi lắp đặt máy càng gần mặt nước càng tốt.
Độ cao cột áp: là độ cao mà máy bơm có thể đưa nước lên tới được.
Tốc độ quay của bơm: là số vòng quay trên phút, được ghi là r.m.p .
Công suất bơm: được ghi bằng W (Watt) hoặc bằng H.P ( Horse Power) (1 HP = 0,736kW,1 kW = 1,36 HP).
Cách lắp đặt một máy bơm để có hiệu quả tốt nhất.
Lắp đặt máy càng gần nguồn nước càng tốt. Nên lắp chắc chắn, tránh máy bị rung khi vận động.
Máy lắp càng gần mặt nước càng tốt. Khi đặt ống dẫn nước vào máy, phải lưu ý gắn rúp-pê ở đầu vào trước ống. Tốt nhất đường kính ống vào phải đúng đường kính của lỗ gắn nước vào và cũng không được đặt sát ngang lỗ vào.
Một số loại máy phải gắn hệ thống nước mồi đúng theo sự chỉ dẫn của máy.
Rup pê của bơm phải đặt cách đáy và thành hồ, nên có lưới lọc tránh rác rưởi làm nghẹt - hỏng máy.
Lắp đường ống ra tốt nhất phải đúng đường kính của máy bơm, tránh làm gấp khúc, không dẫn đường ống ra lòng vòng làm mất hiệu suất của bơm. Ở đầu ra của bơm thường gắn thêm một van khóa để tiện việc điều chỉnh hoặc sửa chữa máy.
Các đường ống dẫn vào và ra phải thật kín, mọi sự rò rỉ đều có thể làm hại cho máy khi vận hành.
Điện thế nối vào máy phải đúng, nên lắp một cầu dao tự động, công suất dây điện phải đúng với công suất tải của máy và máy nối đất tốt.
Để có một nguồn nước mạnh và liên tục và kéo dài thời gian sử dụng của bơm, bạn cần lưu ý các điểm như sau: nguồn nước mạnh, ống nước vào bơm thường sử dụng loại 34 mm, và đầu ra có đường kính 27 mm.
Đối với giếng sâu không quá 9 mét, trong đường ống nước yếu hay không tự chảy được và bơm lên các bể trên cao: sử dụng các loại máy bơm hút chân không, đẩy cao tầng. Tuỳ từng độ cao của nhà mình, bạn có thể lựa chọn mua cho mình một chiếc máy phù hợp với nhu cầu sử dụng, đạt được kết quả cao nhất sao cho độ cao của cột áp phù hợp với công suất của máy, tránh lãng phí hoặc quá tải khi sử dụng máy bơm. Một số gợi ý sử dụng cho nhà riêng:
Đối với nhà 1-2 tầng nên sử dụng các loại máy có công suất 125w.
Đối với nhà 2- 3 tầng nên sử dụng các loại máy có công suất 200w.
Đối với nhà 3-4-5 tầng nên sử dụng các loại máy có công suất 250w.
Dùng máy bơm tự động tăng áp: Thích hợp cho các gia đình có nhu cầu sử dụng mà không có bể chứa nước trên trên cao, hoặc độ cao không đủ để tạo ra áp suất. Máy sẽ tự động hút nước trong bể, đường ống, bơm trực tiếp vào thiết bị. Tuỳ từng nhu cầu thực tế cần dùng nhiều hay ít mà lựa chọn công suất cho phù hợp. Với các toà nhà của tư nhân hay,tập thể, nhất là các khách sạn còn cần sử dụng một chiếc máy tăng áp cho tầng trên cùng của toà nhà khi gặp áp lực yếu.
Đối với giếng sâu dùng bơm ly tâm, bạn phải mồi nước trước khi dùng và lắp thêm một van một chiều vào đường ống đẩy. Nếu không có nước, máy sẽ hú lên, dẫn đến hư phốt chận và làm cháy động cơ kéo máy bơm.
Nên lắp thêm lưới lọc nước ở ngõ vào để lọc đất cát có thể dẫn đến làm kẹt cánh bơm.
Khi bơm từ nguồn nước thủy cục rất yếu cũng cần phải mồi nước trước khi khởi động và lắp thêm van một chiều như loại bơm giếng sâu. Nếu không có nước, phốt chận sẽ bị hư do quá nhiệt và làm nước chảy ngược vào máy gây nên cháy máy.
Nên lắp thêm một bồn nước khoảng 400 lít hay hơn (tùy nhu cầu) đặt trên cao để ổn định áp lực nước trong nhà và phòng khi cúp nước.
Khắc phục những sự cố khi sử dụng máy bơm nước:
Khi động cơ bị rò điện: kiểm tra chỗ nối dây, dây cuốn động cơ bị chạm vỏ máy, bị ẩm hoặc nước chảy vào hay không? Nếu có, cần sấy khô hoặc sửa chữa chỗ nối dây.
Hỏng rơ-le ở loại bơm áp lực do trong đường ống nước đi ra không có lắp van một chiều.
Điện vào máy bơm nhưng máy không hoạt động có thể do điện áp nguồn quá yếu hoặc tụ điện trong mạch cuộn dây phụ của dây cuốn động cơ bị hỏng cần thay tụ khác. Hoặc cánh máy bơm bị kẹt, hỏng, vỡ, do động cơ ổ bi bị mòn, cọ xát với mặt buồng bơm. (thấp hơn 160V, bạn nên lắp thêm một ổn áp riêng cho bơm nước nếu cần). Nếu tình trạng điện yếu kéo dài, sẽ dẫn đến hú máy, nổ tụ và kết quả là cháy máy. Để tránh cháy, khi nghe tiếng bơm hú phải cắt điện ngay. Khi lắp ráp bơm bạn nên dùng một cầu dao riêng cho bơm nước trong nhà.
Hỏng hóc thường gặp nhất là máy bơm chạy tốt nhưng không có nước chảy. Sự cố này là do đường ống trong nhà bị xì, hỏng van một chiều, hỏng phao tự động (trong bồn nước), hỏng phốt chận, cánh quạt, hỏng bạc đạn, có thể không có nước vào đầu ống hút hoặc nguồn nước bị cạn, hoặc miệng ống nước bị tắc, gãy, cần kiểm tra và thay thế, dùng máy nén khí để sục rửa giếng khoan. Không nên để chạy lâu dễ gây hiện tượng cháy máy.
Khi động cơ bơm nước quay rất chậm và nước chảy ra rất yếu, máy có tiếng ồn, lượng nước bơm ra nhiều, có thể do động cơ bị khô mỡ bôi trơn hoặc bị mòn, nước lọt vào cần phải vệ sinh. Trường hợp này hay dẫn đến nổ cầu chì ngay. Bạn có thể nhỏ ít dầu nhớt vào hai đầu trục trước khi thay cầu chì mới và cho bơm hoạt động trở lại.
Phương pháp bơm nước tại các giếng khoan (giếng đóng) sâu trên 9 m:
Để có thể bơm nước tại các giếng khoan sâu trên 9m, bạn phải sử dụng bộ hút sâu (bộ phận tạo hút chân không), ngoài Bắc mấy ông thợ hay gọi nôm na là củ giếng khoan, củ hút sâu: Bộ hút sâu này là sản phẩm 100% made in Việt Nam do các bác thợ khoan giếng phát minh ra từ khoảng năm 1998.
Với những giếng khoan đường kính nhỏ hơn 110mm, không thả bơm chìm xuống được mà mặt nước tĩnh lớn hơn 9m thì những bơm chân không này không có khả năng hút được, lúc đó phải dùng đến bộ phận hút sâu.
Nguyên lý của nó cũng đơn giản thôi. Đầu tiên phải lắp một gion cao su làm kín khoảng không giữa thành trong ống giếng và mặt ngoài ống hút tại vị trí mà từ đó có thể hút được nước lên. Sau đó trích một phần nước từ đầu ra của bơm đưa vào khoảng không này. Còn ống hút thì lắp thêm một van một chiều ở dưới chỗ gion cao su. Đồng thời tại vị trí này có một thiết bị có miệng thu nhỏ và các khe hẹp thông với khoảng không phía trên của gion cao su.
Khi máy bơm hoạt động sẽ xuất hiện một vòng tuần hoàn nước từ máy bơm vào phần trên ống giếng rồi qua các khe hẹp vào ống hút đi lên bơm. khi dòng nước này đi qua miệng thu nhỏ của ống hút tại vị trí này sẽ hút nước từ bên dưới van một chiều thứ hai lên.(tương tự dòng khí hút sơn lên trong các bình phun sơn). kết quả là mực nước trong ống hút lên cao và bơm được.
Ngoài Bắc thường sử dụng củ giếng khoan: Củ giếng được lắp xuống dưới giếng, ngập trong nước càng tốt. Nguyên lý hoạt động không khác gì bộ phận tạo hút chân không của những máy bơm ly tâm tự mồi, Tính từ van của củ giếng lên đến đầu bơm sau khi được mồi đầy nước, lúc khởi động bơm, nước sẽ được bơm quay trở lại giếng qua kim phun của củ hút sâu, bơm vào sáo hút tạo ra độ hút chân không để hỗ trợ kéo nước từ giếng từ dưới van một chiều lên, lượng nước này theo tuần hoàn mà được bơm bơm ra qua van điều áp để sử dụng...